[tintuc]Với những người ưa chuộng bộ môn câu cá, mỗi khi nghe nơi đâu có tăm cá, dù xa hàng chục cây số họ cũng sẵn sàng lặn lội đến nơi để thỏa lòng đam mê sông nước.

 Cá đã cắn câu
 Thành quả của kinh nghiệm và may mắn khi câu biển

Từ sông, đầm

Nhanh nhẹn soạn sửa đồ câu và kiên nhẫn ngồi từ tám giờ sáng đến hai giờ chiều, anh Trần Văn Hiếu (TX. Hương Thủy) đã câu được kha khá cá chép ở trong chiếc rọng (giỏ) đựng cá được thả ngầm dưới mép nước đùng đục. Đam mê với bộ môn câu cá đã hơn 10 năm nay, kinh nghiệm và cả những kiến thức về câu cá ở sông, đầm anh đều thành thạo.

Anh chia sẻ: “Sau những trận mưa lớn, lúc con nước lên và giữ ở mức cao, khi nắng lên là lúc cá ăn rất mạnh. Vì thế trong các hội nhóm đam mê câu cá, mỗi khi có thành viên hoặc chính bản thân mình thông báo và chia sẻ địa điểm cá đang ăn, mọi người sẽ tụ tập đến rất nhanh”.

Mùa nước lên, ở đầm sẽ có các loại cá nâu, cá dìa đặc sản. Với các con sông lớn, ngoài các loại cá rô phi, cá rô thì cá chim nước ngọt, cá trắm, cá trôi, cá chép cũng thường rất hay dính mồi.

Anh Hiếu cho biết thêm, thông thường tùy vào tăm cá (bọt khí cá tạo nên) mà người đi câu sẽ lựa chọn loại lưỡi câu và mồi câu phù hợp. “Như những tăm cá hơi dày, chậm thì các tay câu sẽ chọn mồi cá chép. Cá rô phi thì tăm cá to hơn, nổi rải rác hơn. Còn cá trôi hay cá trắm thì tăm lại đùn theo cụm chứ không rải thành hàng. Ngoài mồi thính trộn hương, có thể câu cả mồi trùn. Cùng với đó, dựa theo những điều kiện khác như nước lợ hay nước mặn, ở đầm hay ở sông và tập tính ăn chúi hay ăn ngang của cá mà người câu sẽ chọn lựa loại lưỡi câu nào cho thật hiệu quả”, anh Hiếu nói.

Cách anh Hiếu chỉ hơn hai chục bước chân, dù kinh nghiệm cũng đã hơn 2 năm, nhưng anh Nguyễn Cường (TP. Huế) lại câu được ít cá hơn. Cười xòa với chúng tôi, anh vui vẻ cho biết: “Hôm qua mình câu được nhiều chứ hôm nay hơi “móm” (câu được ít cá). Dù thế chừng này cá cũng đủ để gia đình làm được mâm cơm, gì chứ cá nước lên sẽ ngon hơn hẳn so với cá thường”.

Với những tay câu, dù là móm hay không móm, họ vẫn hồ hởi với niềm vui giản dị. Bởi rằng không chỉ thành quả, thú vui câu cá còn đến từ những khoảnh khắc họ sẻ chia thông tin cho nhau và khoảng thời gian hồi hộp, điềm tĩnh đợi chờ cá cắn câu.

Cho đến biển

Sau những đợt biển động, khi những con sóng đã bớt cuồng nộ, những người đam mê câu máy cũng có đất dụng võ. Ven biển khu vực Phú Vang, Phú Lộc, mỗi khi nghe đánh tiếng có cá ăn mồi, những tay câu cũng sẵn sàng chạy xe hàng chục cây số về bãi biển để thử vận may.

Cùng bạn của mình “nằm vùng” ở biển bãi Bàng thuộc thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc), anh Văn Hùng (TP. Huế) đã câu được rất nhiều cá chim biển. Anh kể: “Nghe mọi người báo cá nên mình và bạn kéo nhau về đây liền. Cũng may là đúng vào dịp cuối tuần, xem như mình vừa đi thư giãn sau cả tuần làm việc căng thẳng vừa có cá biển ngon sạch để ăn”.

Đúng như anh Hùng nói, cá chim biển có chất lượng thịt thơm ngon và là đặc sản của vùng biển bãi ngang. Khi đến bãi biển, các tay câu sẽ dùng kỹ thuật câu bạt bãi để quăng chì và mồi ra xa hàng chục mét so với mép nước. Với mồi câu tôm và kỹ thuật câu điêu luyện, các loài cá biển ăn tạp sẽ dễ dính mồi.

Theo anh Hùng, dù câu cá biển hay ở sông, đầm, mỗi người đam mê với bộ môn câu cá đều cần phải tích lũy rất nhiều kinh nghiệm. Không chỉ tập tính loài cá, mỗi người đi câu còn cần tìm hiểu và ghi nhớ về cả những đặc trưng của con nước tùy mỗi khu vực. Bởi thế, dù là bộ môn có thể được thực hành quanh năm, thế nhưng mỗi khi nước lên, kỹ thuật của các tay câu lại được thử thách nhiều nhất. “Tất nhiên yếu tố may mắn là không thể thiếu, vì thế mới có chuyện kinh nghiệm ngang nha, nhưng có người câu được 5 - 7kg cá, có người chỉ lác đác một vài con. Quan trọng nhất là người đi câu phải vững chí, chắc tay, đam mê tới nơi tới chốn thì rọng cá sẽ có lúc đầy”, anh Hùng nói.[/tintuc]

Liên quan